XLO test & burn-in CD

XLO test & burn-in CD
  • XLO test & burn-in CD

  • Loại đĩa : New CD
  • Giá : 500.000 đ
  • Hotline : 0903 33 00 55
  • Cho vào giỏ hàng
Trong khi chờ đợi phono cho hệ thống, đành phải lục một số CD cũ ra nghe. Nhân tiện em sẽ lần lượt giới thiệu với các bác một số CD hữu dụng cho việc setup hệ thống hay một số album được Stereophile xếp vào hạng "Records to die for" cũng như một vài CD có nội dung âm nhạc xuất sắc.

CD đầu tiên em muốn nhắc tới đó là "Test & Burn-In CD" do hãng Reference Recordings (RR) phát hành năm 1995. 
Theo em đây là CD cần có và nên có vì nó hướng dẫn từng bước để kiểm tra, thiết lập và tinh chỉnh hệ thống âm thanh. Đây là sản phẩm hợp tác giữa "Giáo sư" Keith O. Johnson của RR và Roger Skoff của XLO Electric với các track kỹ thuật và track nhạc đạt chuẩn tham chiếu giúp chúng ta nhanh chóng và dễ dàng setup hệ thống âm thanh của mình. 
Nhân đây em cũng muốn nói qua một chút về Keith Johnson, giám đốc kỹ thuật kiêm kỹ sư trưởng thu âm của Reference Recordings. Trong hơn 30 năm làm việc tại RR, ông đã ghi âm hơn 100 chương trình và được giới chuyên môn cũng như các tạp chí Audio uy tín đánh giá là những bản thu tiêu chuẩn có độ trung thực cao. Trong số đó có 8 bản thu được đề cử Grammy "Best Engineered Classical" và ông đã 3 lần dành chiến thắng. Ông cũng chính là một trong những người phát minh ra HDCD. 
Bằng học vấn sâu sắc của mình Keith Johnson có những đóng góp rất quan trọng liên quan đến audio. Theo ông một bản ghi âm âm thanh cũng quan trọng như chính âm nhạc. Mục tiêu của ông là làm sao tái tạo âm thanh trung thực cũng như kích thước, vị trí nhạc cụ của các bản thu trong một không gian như thật. Liệu người ta có đủ khả năng tái tạo lại độ chính xác của âm thanh hay không? Và điều ông nghĩ đến rất nhiều chính là hệ thống microphones. Sử dụng như thế nào, dùng bao nhiêu cái và vị trí lắp đặt của chúng? Mặc dù trong các trường hợp thông thường thì chỉ cần sử dụng 1 cặp là đủ. Nhưng Johnson đã thấy sự hạn chế khi sử dụng ít microphone là giảm độ trung thực của âm thanh và không gian của bản thu. Hầu hết các studio hiện nay dùng hệ thống multi-mono với ca sĩ, nhạc công, nhạc cụ. Microphone được cố định tại 1 vị trí và hầu hết các studio cũng gắn các thiết bị âm học cố định. Nguồn phát âm thanh khi thu được để rất gần micophone do đó nó không tạo được tính đặc trưng. Kênh L/R không được thể hiện rõ và không thể hiện được chiều sâu của phòng thu. Để xử lý việc này Johnson đã đưa ra giải pháp "vùng âm thanh stereo" bằng cách sắp xếp một hệ thống gồm có 6 microphones gồm có: 2 cái Coles BBC Ribbon lừng danh theo kiểu Blumlein 45/45 truyền thống, 2 cái Sennheiser FM để ngang cho 2 kênh LR phía trước và 1 cặp Sennheiser FM đặt cao phía sau, gần tường. Kết quả là ngay cả khi một bản thu được thu âm trong một studio thì âm hình, sân khấu rất rõ ràng.

Trở lại với Test & Burn-In CD, đây là album với các track như sau :
Technical Tracks
1. Channel Identification (Left/Right). 
Dùng để kiểm tra, xác định đúng kênh trái/phải của hệ thống.
2. Voice In-Phase. 
Dùng kiểm tra và xác định dây loa đã được kết nối đúng pha.
3. Voice Out-of-Phase
Tương tự như track 2.
4. Clap Track
Tiếng vỗ tay chuẩn. Thông thường khi kỹ sư thu âm hay kỹ sư acoustics đến 1 phòng nghe, việc đầu tiên là họ đi quanh phòng và vỗ tay. Mục đích của việc này là lắng nghe âm thanh của phòng, nghe độ vang của phòng, độ nhạy của phòng. Nó hữu dụng trong việc thu nhập thông tin để đưa ra hướng xử lý tốt cho âm học của phòng. Nhưng có một vấn đề xảy ra là khi vỗ tay tiếng vỗ không đều, không cùng lực vỗ và khi chúng ta đi xung quanh phòng thì tiếng vỗ tay cũng đi theo và như vậy tiếng vỗ tay không còn chính xác. Do đó sẽ nghe được những tiếng vỗ tay khác nhau ở những vị trí khác nhau. Track này giải quyết được nhược điểm đó và cho chúng ta 1 âm thanh chuẩn mực ở mọi vị trí của phòng được phát ra từ 2 loa. Do đó chúng ta có thể nghe tiếng vỗ tay chuẩn ở nhiều vị trí để chọn ra được vị trí vừa ý và hãy lắng nghe để chắc chắn rằng âm thanh nghe được là âm thanh chính xác trong phòng của mình chứ không phải không phải trong phòng thu. Độ (vang) vọng của tiếng vỗ tay đã được xử lý digital.
5. 315 Hz Test Tone
Mặc dù set cân bằng giữa 2 kênh hầu hết là dựa vào đôi tai nhưng thực tế chúng ta vẫn cần những trị số chính xác. Một trong những cách xử lý là dùng track 3. Trong một số trường hợp thì có khi một kênh chơi to hơn sẽ cho kết quả tốt hơn nhưng cái chúng ta cần là sự chính xác giữa 2 kênh. Sử dụng track này cần một cái đồng hồ đo thì sẽ đo được trị số chính xác bằng millivolt. Cách làm rất đơn giản, bật máy lên để mức âm thanh thường nghe, đưa máy đo vào kênh trái của loa. Cọc đỏ vào dương, cọc đen vào âm và đọc trị số trên máy đo. Chẳng hạn là 0.95v, sau đó đo bên còn lại và chỉnh cân bằng cho đến khi hai bên có cùng trị số. Sau khi set cân bằng giữa hai kênh thì âm thanh trong phòng phải được phát ra chính xác từ chính giữa bức tường phía sau loa nếu âm thanh phát ra không chính xác từ chính giữa thì nguyên nhân có thể do độ nhạy của loa khác nhau, hướng đặt loa, vị trí đặt loa không cân đối hoặc do vật liệu âm học ở hai bên cạnh loa.
6. "Prof." Johnson Does Something Spatial
Keith Johnson nói và thể hiện hiệu ứng về việc áp dụng giải pháp "vùng âm thanh stereo" bằng cách sắp xếp một hệ thống gồm có 6 microphones. Kết quả là ngay cả khi một bản thu được thu âm trong một studio thì âm hình, sân khấu rất rõ ràng và nó rất tiện lợi khi chúng ta setup hệ thống của mình. 
7. Demagnetizing Sweep
Khử từ. Thời gian đầu khi thu âm chủ yếu bằng hệ thống băng từ thì khử từ không được chú trọng. Tuy nhiên khi phono phát triển thì khử từ bắt đầu được chú ý. Nhiễm từ được sinh ra do các thiết bị điện có từ trường ở xung quanh. Hãy thường xuyên khử những tạp âm, nhiễu trong dây đồng, bo mạch, dây dẫn, giắc nối cáp, giắc nối loa và kết quả sẽ làm tăng chất lượng âm thanh. Track này được thu từ 40-19khz. Khi bật thì nó phát tín hiệu từ CD player đến loa. Bật 1 hoặc 2 lần nó sẽ giúp cho hệ thống của chúng ta sạch sẽ trở lại. Track này khử từ cho cả hai kênh và đa kênh. Nên để âm lượng vừa đủ nghe nếu không dễ hư loa treble dù tai chúng ta nghe không thấy lớn. Gryphon cũng có một sản phẩm với tính năng khử từ tương tự được đặt tên là The Exorcist nhưng hiệu quả thu được trên hệ thống cao hơn. 
8. Demagnetizing Fade
Khử từ giải trầm. Công dụng tương tự như track 7 và nó làm sạch phần trầm của hệ thống. 
9. System Burn-In
Chạy rà hệ thống. Track này rất tiện lợi, nó giúp thiết bị mới đặc biệt là loa mau chóng đạt được chất lượng âm thanh tối ưu sau khi chơi track này từ vài giờ cho tới vài ngày liên tục. 

Music Tracks
10. Mon, In-Phase
11. Mon, Out-Of-Phase
12. Stereo, Out of Absolute Phase
13. Stormy Weather - Eileen Farrell (vocal) / Loonis McGlohon combo
14. Shiny Stockings - Bob Lark / DePaul Universtiy Jazz Ensemble
15. Morton Gould: Derivations, "Rag" movement - John Bruce Yeh, clarinet / DePaul Universtiy Jazz Ensemble
16. Janácek: Sinfonietta, "The Queen's Monastery" - José Serebrier / Czech State Philharmonic
17. Franx Biebl: "Ave Maria" - Timothy Seelig / The Turtle Creek Chorale
18. Weinberger: "Polka and Fugue" - Frederick Fennell / Dallas Wind Symphony / Paul Riedo, organ

Trong số những track nhạc trên có một số track dùng để test rất hiệu quả. Ví dụ như track 10, sau khi thực hiện như hướng dẫn ở track 5 thì khi phát track 10 âm thanh sẽ phát ra từ giữa hai loa và điểm âm thanh phát ra càng nhỏ càng tốt. Nếu nghe âm thanh giọng hát, nhạc cụ di chuyển giữa hai loa hoặc âm thanh phát ra từ những điểm khác nhau có nghĩa phản xạ tần số của 2 loa không giống nhau do hướng đặt loa, vị trí đặt loa hoặc do vật liệu âm học ở hai bên cạnh loa. Track 13, track này được thu bởi nhiều microphones stereo. Mỗi microphone riêng cho từng nhạc cụ. Khi nghe, tiếng hát của Farrell nghe phải ấm áp, tự nhiên và ở phía trước với những nhạc cụ xung quanh gần bên bà. Tiếng flugelhorn của Wilder khi chơi solo phải nghe thấy ở đằng xa, phía sau dàn trống. Đây là track nhạc tuy có ít nhạc cụ nhưng lại là bản nhạc có tính khiêu chiến rất cao với các hệ thống audio. Có một điều đáng nói là bản thu âm này thực hiện khi Farrell đã 70 tuổi. Giọng hát của bà vẫn cực kỳ ấm áp, truyền cảm và đầy nội lực. Thật đáng nể! Track 18, khoảng phút thứ 5:38 tiếng Đại Phong Cầm trầm hùng cất lên và khi đến đỉnh điểm với sức mạnh và độ sâu đủ để thử thách tất cả mọi hệ thống audio. Rất nhiều hệ thống audio em đã dùng bản này để test và đa phần đều không thể thể hiện được các đoạn cực trầm hoặc bị méo tiếng. RR cũng lưu ý rằng khi chơi đoạn này nên để âm lượng ở mức vừa phải vì rất dễ gây cháy cầu chì.